Dell Latitude 7300 là một Laptop doanh nhân nhỏ gọn, chuyên nghiệp cùng thời lượng pin đáng nể. Latitude 7300 được trang bị bộ vi xử lý Intel thế hệ Whiskey Lake. Thiết bị gây ấn tượng khá tốt nhờ thời lượng pin dài, khả năng nâng cấp RAM. Dĩ nhiên thiết bị vẫn có những điểm yếu riêng, mời các bạn theo dõi tiếp bài đánh giá nhé.
Dòng Latitude là một trong những thương hiệu quan trọng của Dell. Đối với người tiêu dùng, nó có thể không nổi tiếng như dòng XPS nhưng mục tiêu của Dell không phải hướng tới người dùng phổ thông, mà là thì trường doanh nhân cao cấp.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đến với một thiết bị Latitude doanh nhân điển hình. Dell Latitude 7300 dường như đã trở thành truyền thống đối với các doanh nhân cũng như doanh nghiệp. Đây là thế hế tiếp theo của 2 dòng sản phẩm rất thành công là Latitude 7290 và Latitude 7390. Về cơ bản, Dell đã dừng sản xuất dòng 12.5 inch để tập trung vào dòng laptop doanh nhân 13.3 inch Latitude 7300. Tên gọi của máy có thể gây nhầm lẫn một chút, khi mà Dell thay vì tạo ra dòng sản phẩm mới thì họ chọn cách bắt đầu lại một thương hiệu.
Đối thủ lớn nhất của Dell trong phân khúc doanh nhân cao cấp gồm có Lenovo ThinkPad và HP EliteBooks. Thiết bị thử nghiệm của mình được trang bị tùy chọn màn hình sợi carbon, Intel Core i7-8665U, 32 GB RAM, 512 GB SSD, màn hình FHD cảm ứng.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là thông số kỹ thuật của chiếc laptop Dell Latitude 7300-P99G được sử trong bài đánh giá này:
CPU | Intel Core i7-8665U |
GPU | Intel UHD Graphics 620 |
RAM | 16 GB |
Ổ cứng | Samsung SSD PM981 MZVLB512HAJQ, 512 GB |
Màn hình | IPS, 13.3 inch, tỷ lệ 16:9, 1920 x 1080 pixel 166 PPI. |
Cổng kết nối | 2 USB 3.0 / 3.1 Gen1, 1 USB 3.1 Gen2, 1 Thunderbolt, 1 HDMI, 1 DisplayPort, cổng âm thanh, microSD, smartcard, cảm biến vân tay |
Kết nối không dây | Intel Wireless-AC 9560 (a/b/g/n = Wi-Fi 4/ac = Wi-Fi 5), Bluetooth 5.0 |
Hệ điều hành | Microsoft Windows 10 Pro 64 Bit |
Pin | 60 Wh |
Kích thước (Cao x Rộng x Dài) |
18.45 x 306.5 x 206.95 mm |
Trọng lượng | 1.362 kg |
Đánh giá laptop Dell Latitude 7300-P99G
Thiết kế
Dòng sản phẩm Latitude hiện nay sẽ có 2 màu: Bạc và xám. Phiên bản màu xám có nhiều điểm tương đồng với thế hệ trước. Ngoài ra, thiết kế còn được thay đổi ở màu sắc của hàng phím chức năng, nay đã chuyển sang màu trắng thay vì màu xanh như trước. Những đặc điểm khác ví dụ như hình dáng, tỷ lệ không có sự thay đổi nhiều. Del Latitude 7300 vẫn sẽ dễ bị nhận nhầm với thế hệ trước là Dell Latitude 7390.
Tùy chọn màu bạc và màu xám khác nhau khá nhiều không chỉ là màu sắc. Phiên bản màu bạc được hoàn thiện bằng 100% nhôm chải từ nắp màn hình đến chiếu kê tay. Phiên bản màu xám được phủ một lớp cao su mềm, họa tiết sợi carbon và chất liệu cơ bản được dùng là hợp kim magie.
Khả năng hoàn thiện của máy đạt mức cao cấp, chất lượng hoàn thiện cao. Dù soi rất kỹ nhưng mình không hề phát kiện kẽ hở hay khoảng trống nào giữa các mối ghép. Độ cứng là tuyệt vời, bạn sẽ không thể bẻ thân máy hay tác động làm lõm phần bàn phím. Màn hình mỏng có đôi chút mong manh nhưng không đáng lo ngại. Tấm nền màn hình được bảo vệ khá tốt với các lực tác động từ bên trong và bên ngoài. Mình có thử ấn vào các cạnh thì có hiện tượng nhiễu nhẹ.
Khi chạm hay cầm nắm có cảm giác rất cao cấp, nhờ vào lớp áo cao su mờ. Nếu bạn thích thiết kế kim loại, phiên bản màu bạc sẽ dành cho bạn.
Dell Latitude 7300 có duy nhất một bản lề rộng ở giữa, rất chắc chắn. Góc mở tối đa là 180 º, có thể mở bằng một tay.
Cổng kết nối
Thiết kế tổng thể chung không thay đổi nhiều, hệ thống cổng kết nối vẫn được đảm bảo phong phú, ngay cả vị trí các cổng. Thiết bị vẫn được trang bị USB A và HDMI, cổng Ethernet đã bị loại bỏ. Trên Dell Latitude 7300 sẽ không có USB C hay Thunderbolt 3 tích hợp chức năng sạc mà chỉ có cổng nguồn thông thường.
Các cạnh của máy:
Khả năng bảo trì, nâng cấp
Việc tháo lắp Dell Latitude 7300 rất đơn giản. Tất cả việc bạn cần làm chỉ là tháo 8 con ốc Philips và một số lẫy nhựa nhỏ ở phía sau. Bên trong, bạn có thể tiếp cận tất cả những thành phần quan trọng. Khả năng nâng cấp của Latitude 7300 thậm chí còn dễ dàng hơn Lenovo ThinkPad X390 với 2 khe RAM, wifi module có thể thay thế. Ngoài ra bạn cũng dễ dàng thay thế SSD, pin và vệ sinh quạ tản nhiệt.
Bàn phím là bộ phận duy nhất không thể thay thế trên Latitude 7300.
Thiết bị đầu vào
Bàn phím
Bàn phím trên Dell Latitude 7300 có thiết kế thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước. Toàn bộ ký tự phím được sơn màu trắng thay vì xanh ở phần phím chức năng. Bố cục bàn phím cũng được thay đổi. Chất lượng bàn phím tốt, có đèn nền 2 mức độ. Từng phím có cấu tạo hơi lõm một chút, để ngón tay có thể dễ dàng cảm nhận điểm lực và phản hồi của phím. Hành trình phím dài, chắc chắn với điểm lực rõ ràng. Bố cục phím không được đầy đủ như bàn phím thông thường nên sẽ mất một thời gian để làm quen.
Touchpad
Trong khi bàn phím trên Latitude 7300 rất xứng tầm với một laptop doanh nhân, thì touchpad lại không đạt được điều tương tự. Trải nghiệm sử dụng khá tẻ nhạt, kích thước nhỏ chỉ 10 x 5 cm do 2 nút chuột riêng biệt phía dưới. Bề mặt được làm bằng nhựa không mang lại cảm giác cao cấp dù vẫn đảm bảo độ mượt mà khi di chuột.
Màn hình
Thông số chính
- Công nghệ IPS
- Kích thước: 13.3 inch
- Độ phân giải: 1920×1080 pixel
- Độ sáng tối đa: 341 cd/m², trung bình: 305.9 cd/m². Tỷ lệ phân bố độ sáng: 79%
- Tỷ lệ tương phản: 1100:1 . Giá trị màu đen: 0.31 cd/m²
- ΔE màu: 6.43
- Phần trăm không gian màu: 91% sRGB và 59% AdobeRGB
Khả năng nhìn ngoài trời, góc nhìn
Màn hình của Dell có độ mờ nhất định nhưng vẫn khá bóng. Một số hiện tượng phản chiếu khó chịu vẫn ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng vì độ sáng màn hình không thực sự cao. Nhìn chung, màn hình của Dell Latitude 7300 có thể sử dụng ngoài trời dù không thực sự quá tốt.
Tấm nền IPS đảm bảo một góc nhìn tốt, độ sáng màn hình có hiện tượng giảm ở những góc hẹp nhưng không ảnh hưởng tới quá trình sử dụng hàng ngày.
Hiệu năng
Có 3 tùy chọn về cấu hình trên chiếc Dell Latitude 7300 cho bạn lựa chọn gồm: Core i5-8250U, Core i5-8350U, Core i7-8665U. Tất cả đều đi kèm GPU tích hợp Intel UHD Graphics 620. RAM không bị hàn vào bảng mạch, có 2 khe cắm RAM nên bạn có thể nâng cấp lên tối đa 64 GB.
Hiệu năng CPU
Intel Core i7-8665U là bộ vi xử lý nhanh nhất của thế hệ Whiskey Lake U với TDP là 15W. 4 nhân vật lý chạy ở xung nhịp cơ bản 1.9 GHz, có thể turbo lên 4.8 GHz.
Trong bài test CineBench R15 đa nhân, CPU đạt đỉnh tiêu thụ 50W trong vài giây. Sau đó giảm dần xuống 30W, 20W và ổn định ở mức 15W. Nhiệt độ CPU đạt đỉnh ở 98 ºC, sau giảm xuống duy trì ở mức 80 ºC. Hiệu năng cao nhất ở mức 3.7 GHz, sau đó giảm xuống 2.3 GHz khi TDP còn 15W.
Hiệu năng trên Latitude 7300 không hề tệ, nhưng thấp hơn Dell Latitude 7390 và Lenovo ThinkPad X390. Dù cả 2 thiết bị trên đều sử dụng CPU có hiệu năng thấp hơn. Điều này chứng tỏ Dell vẫn làm chưa tốt trong việc khai thác hết tiềm năng của Intel Core i7-8665U.
Hiệu suất chung của hệ thống
Trong quá trình sử dụng hàng ngày, hiệu năng thiết bị hoàn toàn nhanh, mượt và không có lỗi cả về phần cứng và phần mềm. Thiết bị cũng thể hiện rất tốt trong các bài kiểm tra hiệu năng PCMark.
Hiệu suất ổ cứng
Dell Latitude 7300 sử dụng SSD Samsung PM981, đây là SSD NMVe rất nhanh, có thể gọi là nhanh nhất trong thị trường SSD hiện nay. Tuy nhiên, hiệu năng tổng thể cũng như sự khác biệt giữa những SSD khác nhau là khó có thể nhận thấy trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Hiệu suất GPU
Intel UHD Graphics 620 là GPU tích hợp phổ biến trên đa số các bộ vi xử lý Intel hiện nay. Intel UHD Graphics 620 không có VRAM riêng mà sử dụng chung bộ nhớ RAM với hệ thống. Trên Latitude 7300, GPU sẽ chạy được hiệu năng đỉnh nhờ hệ thống dual RAM. Hiệu năng là khá tốt khi so sánh với những laptop doanh nhân khác. Dù thế nào thì Intel UHD Graphics 620 vẫn là GPU khá chậm, chỉ thích hợp với những tác vụ giải trí thông thường.
Khả năng chơi game
Hướng tới là laptop doanh nhân, đi kèm GPU tích hợp Intel UHD Graphics 620, Dell Latitude 7300 thực sự không thích hợp để chơi game. Máy có thể xử lý một số game nhẹ dễ dàng. Vì không có Thunderbolt 3, nên ý tưởng sử dụng eGPU là không khả thi.
Tiếng ồn, nhiệt độ
Tiếng ồn
Khi nhàn rỗi hoặc tải nhẹ, quạt tản nhiệt hoàn toàn không hoạt động. Khi tải nặng, tiếng ồn của quạt không quá lớn nhưng tần số cao cũng gây khó chịu cho người sử dụng.
Nhiệt độ
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ nhàn rỗi vào khoảng: 28 ºC
- Nhiệt độ bề mặt khi máy ở chế độ tải nặng tối đa vào khoảng: 54 ºC
Nhiệt độ bề mặt của máy khá cao, một số điểm ở mặt dưới lên tới 54 ºC khi tải. Vì vậy mình không khuyến cáo các bạn sử dụng máy ở trên đùi khi tải nặng. Phần chiếu kê tay mát hơn một chút khi nhiệt độ chỉ đạt khoảng 33 ºC, hoàn toàn thấp hơn ngưỡng có thể gây trải nghiệm không tốt khi sử dụng.
Biểu đồ nhiệt độ của máy khi ở chế độ tải nặng:
Loa ngoài
Loa của Dell Latitude 7300 được đặt ở cạnh dưới. Hướng loa đi xuống dưới khi mở nắp màn hình. Chất lượng tổng thể ở mức trung bình, âm lượng tối đa không quá to, thiếu âm trầm và mất cân đối. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư một bộ loa ngoài hoặc tai nghe chất lượng cao để có trải nghiệm âm thanh tốt hơn.
Tuổi thọ pin
Dell Latitude 7300 mang trong mình viên pin 60 Wh, hoạt động được liên tục trong vòng khoảng 11 giờ. Thời lượng pin của máy rất tốt và vượt trội hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh.
Reviews
Sản phẩm chưa có đánh giá nào.